Tết Trung thu là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng và ý nghĩa nhất của người Việt Nam. Vậy Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thuở nào và bắt nguồn từ đâu? Dù trải qua lễ hội này hàng năm, nhưng đây là câu hỏi mà chắc chắn nhiều người khó có thể trả lời. Vậy hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và những phong tục thú vị của Tết Trung thu Việt Nam bạn nhé!
Khởi nguồn và ý nghĩa Tết Trung thu trên đất Việt
Mỗi lần tới Tết Trung thu, bạn có tự hỏi Tết Trung thu Việt Nam đã có từ bao giờ và nó mang những ý nghĩa như nào không? Đọc đoạn viết dưới đây để được giải đáp nha.
Nguồn gốc
Nguồn gốc của Tết Trung thu tại Việt Nam vẫn còn là đề tài gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Đã có nhiều ý kiến cho rằng Tết Trung thu Việt là một nét văn hóa được du nhập từ Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, có nhiều nhà nghiên cứu đã phủ định ý kiến này. Vì trên thực tế, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hình ảnh người Việt tổ chức ăn mừng lễ hội trăng rằm được khắc họa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây 2000 năm.
Theo các tài liệu lịch sử, Tết Trung thu đã xuất hiện ở nước ta từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV). Trên văn bia chùa Đọi 1121, đời nhà Lý đã tổ chức lễ hội Trung Thu chính thức ở kinh thành Thăng Long với các hoạt động vui chơi như múa rối nước, đua thuyền và rước đèn. Đến thời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu đã được tổ chức vô cùng xa hoa trong phủ Chúa, điều này đã được miêu tả trong tập ký “Tang Thương ngẫu lục” của Nguyễn Ánh và Phạm Đình Hổ.
Một điều thú vị là mặc dù Tết Trung thu đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ được chính thức coi là Tết thiếu nhi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư Trung thu cho thiếu nhi cả nước vào ngày Cách mạng tháng 8 năm 1947. Sinh thời, hàng năm cứ đến Tết Trung thu bác lại gửi thư cho các bé nhi đồng và đến tận nơi để vui chơi, tặng quà và đón trăng cùng các bé. Dần dần, Tết Trung thu mới thực sự trở thành Tết của trẻ em Việt và được tổ chức tưng bừng, rộn ràng mỗi dịp thu về.
Ý nghĩa
Từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được vua chọn là ngày để tạ ơn các vị thần Rồng, thần Mưa đã giúp hoa màu bội thu, mưa thuận gió hòa và cầu xin cho cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ngày Trung thu là dịp để mọi người ngắm trăng, tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng rằm có màu vàng sáng thì khả năng cao năm đó người dân sẽ có vụ mùa bội thu. Nếu trăng có màu xanh hay lục thì dự báo năm tới sẽ có thiên tai, và nếu trăng có màu cam thì đất nước thịnh hưng, an ổn.
Trải qua hàng ngàn năm cho đến hiện nay, Tết Trung thu dần gắn liền với ý nghĩa đoàn viên, sum họp mọi thành viên trong gia đình về đến bên nhau. Mỗi khi trăng lên, tất cả đoàn trẻ nhỏ cùng nhau tạo thành đoàn đi rước đèn bên cạnh những chú lân đang nhảy múa. Người lớn thì tụ họp, vừa thưởng thức bánh trung thu vừa chia sẻ những câu chuyện đã trải qua. Vì vậy, ngày nay Tết Trung thu được gọi bằng những cái tên như Tết đoàn viên hay Tết thiếu nhi.
Ngoài ra, dựa trên thông tin từ cuốn sách “Thái Bình hoàn vũ ký” có ghi lại “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội trai gái gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”. Như vậy, từ xa xưa Tết Trung thu còn là mùa thành hôn, hẹn hò của các cặp đôi.
Sự tích cổ xưa về Tết Trung thu
Những câu chuyện cổ tích về Tết Trung thu luôn khiến trẻ em say mê và người lớn thích thú. Hãy cùng tìm hiểu hai sự tích nổi tiếng gắn liền với ngày lễ này.
Câu chuyện chú Cuội cung trăng
Chuyện kể rằng, xưa kia, có một chàng tiều phu tên là Cuội. Một ngày nọ, khi đang đi trong rừng, Cuội vô tình bước vào hang cọp và bị đàn hổ con tấn công. Trong lúc hoảng loạn, anh vung rìu chống trả và vô tình làm bị thương một chú hổ con. Lúc này, thấy hổ mẹ về Cuội chỉ kịp quăng rìu, leo tót lên ngọn cây gần đấy. Cọp mẹ về thấy đàn con bị thương liền chạy đến một bụi cây gần đó, đớp một ít lá về mớm cho con. Thần kỳ thay, sau khi ăn loại lá kia xong, cọp con tự nhiên cựa quậy, vẫy đuôi rồi sống lại. Phát hiện ra đây là cây thuốc quý, Cuội liền đợi hổ mẹ tha con đi nơi khác bèn đến bụi cây kia, đào gốc mang về.
Nhờ có cây thuốc thần kỳ, Cuội đã cứu sống nhiều người, trong đó có con gái của một phú ông. Để cảm tạ ân tình này, phú ông đã quyết định gả vợ cho chàng. Vợ chồng Cuội sống với nhau vô cùng hòa thuận, êm ấm. Nhưng một lần khi chồng không ở nhà, nàng trượt ngã vỡ đầu và qua đời, Cuội dùng lá thuốc mà mãi vẫn không tỉnh lại. Trong cơn tuyệt vọng, Cuội nặn thử bộ óc bằng đất cho vợ rồi đổ thuốc vào. Không ngờ, vợ Cuội thật sự sống lại, tươi tình như thường, nhưng từ đó vợ anh mắc chứng hay quên.
Một ngày nọ, do quên lời dặn của chồng, vợ Cuội đã tưới nước giải vào gốc cây thuốc. Cuội vừa về đến nhà thì thấy cảnh tượng này. Anh vội vàng nắm chặt rễ cây, hy vọng có thể kéo nó xuống. Tuy nhiên, sức mạnh của cây quá lớn, kéo theo cả Cuội lên tít cung trăng. Chính vì vậy, vào ngày trăng rằm sáng nhất hằng năm, ta thường thấy bóng hình chú Cuội đang ngồi dưới gốc cây đa.
Sự tích vua Đường Minh Hoàng
Theo truyền thuyết Trung Hoa, nguồn gốc của Tết Trung thu có liên quan mật thiết đến Vua Đường Minh Hoàng (685-762), còn được gọi là Đường Huyền Tông – một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Đường.
Vào một đêm trăng tròn tháng Tám âm lịch, Vua Đường Minh Hoàng đang dạo chơi trong vườn ngự uyển thì bỗng nhiên nhớ đến cung điện trên mặt trăng mà ông từng được kể. Tò mò muốn khám phá, nhà vua đã nhờ đạo sĩ Lã Động Tân dùng phép thuật đưa ông lên cung trăng.
Khi đến nơi, vua Đường Minh Hoàng được chứng kiến một cảnh tượng tuyệt đẹp: hàng ngàn tiên nữ xinh đẹp đang nhảy múa trong điệu nhạc du dương. Đặc biệt, ông bị mê hoặc bởi khúc nhạc tên Nghê Thường Vũ Y. Ông vừa trầm trồ khen ngợi vừa lầm nhẩm học thuộc bài hát và điệu múa. Nhà vua cứ thế say sưa thưởng thức cảnh tiên cho đến khi trời sáng. Pháp sư phải nhắc nhở nhà vua mới luyến tiếc ra về.
Sau khi trở về trần gian, nhà vua vẫn không thể quên được khung cảnh tuyệt vời trên cung trăng. Ông ra lệnh cho các nhạc công và vũ nữ trong cung học theo những điệu múa mà ông đã thấy. Từ đó, việc ngắm trăng, múa hát và thưởng thức bánh trở thành một phần không thể thiếu trong lễ hội mùa thu của người Trung Hoa.
Các phong tục thú vị trong ngày Tết Trung thu tại Việt Nam
Tết Trung thu không chỉ có bánh trung thu và đèn lồng. Khám phá ngay những phong tục độc đáo và thú vị khác trong ngày lễ truyền thống này nhé!
Múa lân
Múa lân là một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội trung thu tại Việt Nam. Đoàn múa lân thường gồm nhiều người, trong đó có người đóng vai lân, người đánh trống, người cầm cờ và những chú tiểu. Lân sư rồng được xem là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng và xua đuổi tà ma.
Thông thường, hội múa lân sẽ được tổ chức vào đêm 14 và 15 tháng 8 âm lịch. Trong đêm trung thu, đoàn múa lân thường diễu hành qua các đường phố, vào các nhà dân để biểu diễn. Tiếng trống dồn dập, âm thanh náo nhiệt của phèng la và tiếng reo hò của trẻ em tạo nên bầu không khí sôi động, náo nhiệt. Màn biểu diễn thường bao gồm các động tác uốn éo, nhảy múa điêu luyện, đòi hỏi sự khéo léo và sức mạnh của người biểu diễn.
Rước đèn trung thu
Nhắc đến Tết Trung thu là không thể không nhắc đến những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc rực rỡ. Các em nhỏ thường tụ tập thành từng nhóm, cầm đèn lồng đủ màu sắc và hình dáng đi khắp các ngõ phố. Tiếng cười nói rộn ràng, ánh đèn lồng lung linh tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt và đầy màu sắc.
Đèn lồng trung thu có nhiều hình dáng khác nhau như hình ngôi sao, hình cá chép, hình ông sao, thỏ ngọc… Mỗi gia đình sẽ lựa chọn dáng đèn lồng thích hợp để treo trước nhà hoặc trên cây như tượng trưng cho sự may mắn. Đáng chú ý, trong thời đại công nghệ hiện nay, bên cạnh những chiếc đèn lồng truyền thống, nhiều nơi đã bắt đầu sử dụng đèn LED và các hiệu ứng ánh sáng hiện đại, tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại trong lễ hội Trung thu.
Bày cỗ cúng rằm
Vào đêm rằm tháng 8, các gia đình thường bày cỗ cúng trên bàn thờ hoặc ngoài sân để tỏ lòng thành kính với các vị thần linh và tổ tiên. Mâm cỗ thường bao gồm các loại hoa quả, bánh trung thu, đèn lồng và đặc biệt là bánh dẻo, bánh nướng.
Mâm cỗ Trung thu truyền thống thường có năm loại quả tượng trưng cho ngũ hành: bưởi (kim), hồng (mộc), chuối (thủy), đu đủ (hỏa) và na (thổ). Ngoài ra, người ta còn bày thêm các loại bánh như bánh dẻo, bánh nướng, bánh cốm…
Việc bày cỗ cúng rằm không chỉ thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, cùng nhau chuẩn bị và thực hiện nghi lễ. Đây cũng là cách để truyền dạy cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc tôn kính tổ tiên và giữ gìn truyền thống.
Phá cỗ
Sau khi hoàn thành nghi lễ cúng rằm, gia đình sẽ cùng nhau “phá cỗ” – tức là thưởng thức những món ăn đã được bày biện. Đây là khoảnh khắc sum vầy, đoàn tụ của cả gia đình. Mọi người cùng nhau ăn bánh trung thu, uống trà, ngắm trăng và trò chuyện vui vẻ.
Bánh trung thu là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp đến lễ Trung Thu. Bánh có nhiều loại nhân khác nhau như thập cẩm, đậu xanh, khoai môn… mỗi loại đều mang một hương vị đặc trưng và ý nghĩa riêng. Mọi người thường cùng nhau vừa thưởng thức bánh trung thu vừa nói chuyện để gắn kết tình cảm gia đình.
Ngoài ra, nhiều cộng đồng còn tổ chức các hoạt động “phá cỗ” tập thể, nơi nhiều gia đình cùng quây quần bên nhau. Điều này không chỉ tạo nên không khí vui vẻ, sôi động mà còn góp phần tăng cường tình làng nghĩa xóm, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng cao.
MangPEbochang hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những kiến thức thú vị. Hiểu rõ về nguồn gốc và truyền thống của ngày Tết Trung thu không chỉ giúp chúng ta trân trọng hơn giá trị văn hóa dân tộc mà còn là cách để chúng ta tiếp nối và phát huy di sản quý báu này cho các thế hệ tương lai. Qua đó, Tết Trung thu sẽ mãi là cầu nối văn hóa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam.